Hội nghị được truyền hình trực tuyến đến 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Thanh tra tỉnh, các sở, ngành.
Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra đã triển khai 4.257 cuộc thanh tra hành chính và 77.770 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra chấn chỉnh quản lý, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật trên nhiều lĩnh vực; phát hiện vi phạm về kinh tế 25.022 tỷ đồng, 9.623 ha đất; trong đó kiến nghị thu hồi 10.268 tỷ đồng và 134 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán do chưa thực hiện đúng quy định và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 14.753 tỷ đồng, 9.489 ha đất; ban hành 57.154 quyết định xử phạt vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân với số tiền 4.243 tỷ đồng; kiến nghị xem xét, xử lý hành chính 1.682 tập thể và 2.676 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý 163 vụ, 89 đối tượng.
Cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giải quyết 9.865/13.741 vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 71,8%. Trong đó, Thanh tra Chính phủ tiến hành kiểm tra, rà soát và kết luận, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý 19/39 vụ việc; các Bộ, ngành Trung ương đã giải quyết 2.180 vụ việc, các địa phương đã giải quyết 7.666 vụ việc.
Trong công tác phòng, chống tham nhũng, đã triển khai nhiều nhiệm vụ theo Luật Phòng, chống tham nhũng 2018, nhất là các nhiệm vụ theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Các cơ quan hành chính Nhà nước phát hiện phát hiện 30 vụ việc, 40 người có dấu hiệu tham nhũng; 22 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, đã xử lý kỷ luật 18 người. Các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác đối với 15.330 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng.
Hội nghị cũng đã chỉ ra một số hạn chế trong công tác thanh tra như vẫn còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra; một số cuộc thanh tra còn kéo dài khi xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra; việc đôn đốc, thực hiện kết luận, kiến nghị về thanh tra còn bất cập. Bên cạnh đó, việc tiếp công dân định kỳ của thủ trưởng một số Bộ, ngành, địa phương còn chưa đầy đủ; nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, kéo dài, khi giải quyết còn sai sót. Tình trạng "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc ở một số nơi chưa được ngăn chặn hiệu quả.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Để khắc phục những hạn chế còn tồn tại, ông Đoàn Hồng Phong - Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu toàn ngành Thanh tra tập trung thực hiện các Chỉ thị, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ liên quan đến hoạt động thanh tra, nhất là các Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Chủ động nắm tình hình khiếu nại, tố cáo trên phạm vi toàn quốc, đặc biệt là ở những địa phương đang có hoặc tiềm ẩn xảy ra vụ việc khiếu kiện đông người, phức tạp để đôn đốc, phối hợp với địa phương giải quyết, xử lý.
Khẳng định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ quan trọng, Tổng Thanh tra Chính phủ yêu cầu toàn ngành thực hiện tốt công tác này theo tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh; đặc biệt chú ý thực hiện có hiệu quả những quy định mới về kiểm soát tài sản, thu nhập. Các đơn vị thuộc ngành Thanh tra cần đôn đốc, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa tham nhũng và tăng cường phát hiện tham nhũng, tiêu cực qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
"Khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý, không chờ ban hành kết luận thanh tra. Tập trung ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong thực thi công vụ" - Tổng Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn ngành Thanh tra Bình Dương đã tiến hành 53 cuộc thanh tra hành chính tại 137 đơn vị và 503 cuộc thanh tra chuyên ngành tại 2.566 tổ chức, cá nhân. Qua đó, đã phát hiện các đơn vị sai phạm thuộc lĩnh vực tài chính, đất đai với tổng số tiền vi phạm 14 tỷ 500 triệu đồng và 187.108m2 đất; kiến nghị xử lý thu hồi ngân sách Nhà nước 13 tỷ 612 triệu đồng, đã nộp ngân sách Nhà nước 5 tỷ 252 triệu đồng, kiến nghị xử lý khác về kinh tế 888 triệu đồng, đã xử lý khác về kinh tế 620 triệu đồng, kiến nghị xử lý thu hồi ngân sách Nhà nước 187.108m2 đất, hiện nay các đơn vị đang thực hiện việc thu hồi đất; kiến nghị xử lý hành chính 16 tổ chức, 23 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 01 vụ.
Qua công tác thanh tra chuyên ngành, đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 922 tổ chức, cá nhân với số tiền 20 tỷ 677 triệu đồng, thu nộp ngân sách 19 tỷ 849 triệu đồng.
Việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc thẩm quyền ở các cấp đạt tỷ lệ 90,38%; các vụ việc khiếu nại đông người, phức tạp, kéo dài đã được cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát giải quyết đúng quy định pháp luật và phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Công tác tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại đạt tỷ lệ cao (98,41%), thực hiện kết luận nội dung tố cáo đạt 100%.
Công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm về phòng, chống tham nhũng cũng được các cấp, các ngành quan tâm tổ chức thực hiện hiệu quả.