Quang cảnh buổi góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: VGP/Lê Anh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, trên cả nước hiện nay, có hơn 2.500 chung cư cũ, xuống cấp, trong đó chủ yếu tập trung ở 2 thành phố lớn là thành phố Hà Nội (1.570 chung cư) và thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 500 chung cư cũ, xuống cấp.
Trong số đó, có nhiều chung cư cũ xuống cấp, không đảm bảo về phòng chống cháy nổ, đang ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sự an toàn của người dân. Trước tình trạng này, các địa phương có kế hoạch cải tạo các chung cư cũ. Tuy nhiên, việc thực thi gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ Xây dựng, một trong những khó khăn nhất trong cải tạo chung cư cũ đó là công tác giải phóng mặt bằng, cụ thể đó là phương án bồi thường. Tình trạng phổ biến là một bộ phận người dân không đồng tình với phương án bồi thường dù số đông đã đồng thuận dẫn đến dự án bị chững lại, trong khi theo quy định là phải 100% hộ đồng ý thì mới được thực hiện cải tạo, sửa chữa.
Trước thực tế này cũng như việc thực hiện thí điểm thành công tại thành phố Hà Nội, Bộ Xây dựng đề xuất đưa vào dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2015/NĐ-CP đó là đối với chủ sở hữu tầng 1 thì hệ số bồi thường k=2, từ tầng 2 trở lên, k=1,5 lần. Trong trường hợp những diện tích ngoài mà không tranh chấp, thì k=0,5.
Về chính sách ưu đãi nhằm thu hút chủ đầu tư, Bộ Xây dựng đề xuất trong dự thảo Nghị định sửa đổi, trong trường hợp điều chỉnh chỉ tiêu dân số rồi, nhưng khi làm dự án mà không hiệu quả, thì chủ đầu tư đề xuất thành phố hỗ trợ một phần ngân sách. Đồng thời, chủ đầu tư được áp dụng thuế suất, thuế thu nhập doanh nghiệp 10% trong vòng 15 năm từ khi bắt đầu dự án.
Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2020 phải cải tạo được một nửa trong tổng số 474 chung cư cũ trên địa bàn, nhưng đến nay, thành phố mới chỉ mới di dời được 32 chung cư cũ, hoàn thành xây dựng được 2 chung cư với 876 căn hộ, 3 chung cư đang xây dựng lại với 2.000 căn hộ.
Một trong những nguyên nhân ảnh hưởng lớn đến việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn thành phố được Sở Xây dựng nêu ra đó là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, nhiều dự án cải tạo chung cư gặp khó vì diện tích rất nhỏ (không thể xây lại), vướng đất công xen kẹt, phải đấu thầu, khiến các doanh nghiệp không muốn tham gia.
Sở Xây dựng Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng đưa vào Nghị định sửa đổi, quy định cấp tỉnh, thành phố phân cấp xuống cho quận, huyện trong việc cải tạo, xây dựng nhà chung cư cũ để tiến độ thực hiện được nhanh hơn.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh (HOREA), Nghị định sửa đổi cần bổ sung thêm một số quy định cụ thể như chỉ tiêu dân số, điều kiện được mua căn hộ, vì tới đây sẽ bỏ hộ khẩu. Bên cạnh đó, phải có chính sách tín dụng hỗ trợ các hộ dân vay để trả tiền cho phần diện tích căn hộ dôi dư (nếu có).
Nhiều doanh nghiệp tham dự buổi góp ý bày tỏ mong muốn chung tay cùng UBND thành phố Hồ Chí Minh để chỉnh trang, cải tạo đô thị. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết, cần cơ chế rõ ràng để thực hiện. Thành phố Hồ Chí Minh cần sàng lọc, thống kê tất cả các chung cư (xây dựng lại chung cư mới, hay chuyển sang công năng khác). Công bố chi tiết các thủ tục, mật độ dân cư, để các doanh nghiệp có phương án chủ động bồi thường, thỏa thuận.
trích nguồn moc.gov.vn