Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phan Thị Mỹ Linh, đại diện lãnh đạo và sở xây dựng các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, nhằm hướng tới xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 5/82008 về “Nông nghiệp, nông dân, nông thôn” đưa ra các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước ta phải phấn đấu thực hiện, đó là: “Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, theo quy hoạch; xây dựng nông thôn giàu bản sắc văn hóa dân tộc, môi trường sinh thái được bảo vệ”, đến năm 2020 có 50% số xã đạt tiêu chuẩn là nông thôn mới. Tiêu chí đánh giá xã nông thôn mới được ban hành tại Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và được bổ sung, điều chỉnh cho giai đoạn 2016-2020 tại Quyết định số 1980/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Tiêu chí quy hoạch là Tiêu chí số 1 trong các giai đoạn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu trên, công tác quy hoạch xây dựng cần phải đi trước một bước làm cơ sở: đầu tư, phát triển hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; xây dựng nông thôn mới bền vững. Việc phủ kín quy hoạch xây dựng nông thôn và công tác nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý thực hiện theo quy hoạch xây dựng là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của chương trình hành động do Chính phủ chỉ đạo thực hiện tại Nghị quyết 24/2008/NQ-CP ngày 28/10/2008 của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam phát biểu tại Hội nghị
Theo Báo cáo của Bộ Xây dựng tại Hội nghị, ngay từ khi thực hiện thí điểm, Bộ Xây dựng đã ban hành các văn bản pháp luật, văn bản hướng dẫn, giao các đơn vị chuyên môn tổ chức 11 nhóm công tác về 11 xã thí điểm, phối hợp với các địa phương tiến hành lập nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng theo yêu cầu của Bộ tiêu chí nông thôn mới mà Chính phủ đã ban hành. Đồ án quy hoạch chung xây dựng của 11 xã thí điểm đã thực sự tác động vào tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, là cơ sở để địa phương lập các đề án, dự án, huy động nguồn lực xã hội vào xây dựng nông thôn mới.
Triển khai Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, Bộ Xây dựng đã tích cực, chủ động lập kế hoạch và triển khai đồng bộ các công việc, nhiệm vụ được giao trong Chương trình. Giai đoạn 2010 -2015, với sự nỗ lực của các ngành, các cấp, sự vào cuộc và tham gia tích cực của nhân dân, tỷ lệ hoàn thành công tác lập quy hoạch xây dựng nông thông mới đã đạt kết quả cao, số xã có quy hoạch đã tăng từ 23,1`% năm 2009 lến 83,5% vào năm 2013 và đến hết năm 2018 đã đạt 98,4%.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Xây dựng được giao chủ trì hướng dẫn quy hoạch xây dựng vùng nhằm đáp ứng tiêu chí huyện nông thôn mới và quy hoạch xã nông thôn mới bổ sung thêm nội dung đảm bảo hài hòa giữa phát triển nông thôn với phát triển đô thị. Bộ Xây dựng đã chủ động và phối hợp với các Bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng nông thôn mới; ban hành theo thẩm quyền các quy định, quy chuẩn phục vụ công tác lập quy hoạch xây dựng nông thôn; xây dựng sổ tay hướng dẫn quy hoạch nông thôn mới; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho các cán bộ địa phương và các tổ chức, cá nhân tư vấn trong việc lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020 theo tinh thần Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã làm thay đổi to lớn, toàn diện, tạo nên bước ngoặt mới trong lịch sử phát triển nông thôn Việt Nam từ trước và sau đổi mới đến nay, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn tới. Nông nghiệp đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa cạnh tranh quốc tế, năng suất, chất lượng sản phẩm ngày càng cao nhờ phát huy theo chiều sâu, tăng cường ứng dụng KHCN; kinh tế hộ nông thôn, đời sống người dân nông thôn không ngừng được cải thiện, tăng 3,5 lần trong 10 năm 2008-2017; cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã và điểm dân cư nông thôn được cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới, đặc biệt là giao thông nông thôn, tạo nên sự thay đổi đáng kể không gian cảnh quan nông thôn…
Toàn cảnh Hội nghị
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết, đến tháng 9/2019, cả nước đã có 4.554 xã (chiếm 51,16% số xã) đạt chuẩn nông thôn mới; bình quân toàn quốc đạt 15,32 tiêu chí/xã (tăng 10,6 tiêu chí so với năm 2010) và không địa phương nào còn xã dưới 05 tiêu chí; có 93 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, tỉnh trực thuộc Trung ương (chiếm 14% tổng số huyện, thị xã, tỉnh của cả nước) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, cả nước đã có 3 tỉnh (Đồng Nai, Nam Định, Bình Dương) và Tp. Đà Nẵng là những địa phương có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Như vậy, mục tiêu 5 năm (2016-2020) đã hoàn thành sớm gần 2 năm so với nhiệm vụ được giao là đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Về quy hoạch và nhà ở dân cư trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020, Thứ trưởng Trần Thanh Nam đề nghị rà soát các văn bản quy định, hướng dẫn về quy hoạch, xây dựng, quản lý cảnh quan nông thôn mới để nghiên cứu, đề xuất, điều chỉnh quy hoạch lại không gian khu vực nông thôn (thôn, làng...) phù hợp tính đặc thù của vùng miền; đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững.
trích nguồn moc.gov.vn