Tham dự có ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, huyện, thị, thành phố.
Toàn cảnh hội nghị
Tập trung triển khai các dự án giao thông trọng điểm
Báo cáo về tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài 26,06km, trong đó, đoạn đi trùng với đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3km (đã được xây dựng với quy mô 6 làn xe ô tô), đoạn chưa đầu tư dài 10,76km. Đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương được Chính phủ chia thành 2 dự án thành phần: Dự án thành phần 5 (xây lắp) có chiều dài xây dựng 11,43km (nút giao Tân Vạn dài 2,53km, đoạn Bình Chuẩn – sông Sài Gòn kể cả cầu Bình Gởi dài 8,9km); Dự án thành phần 6 (giải phóng mặt bằng) có chiều dài thực hiện đền bù 10,76km2.
Ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở Giao thông vận tải báo cáo tình hình triển khai các dự án giao thông trọng điểm
Dự án thành phần 5 đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi, lựa chọn xong 11 nhà thầu lập thiết kế kỹ thuật – dự toán. Hiện đang thực hiện công tác khảo sát, lập trình, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật – dự toán. Dự án thành phần 6 cơ bản hoàn thành nhiệm vụ so với kế hoạch và mốc tiến độ đạt yêu cầu, cụ thể đã hoàn thành bàn giao mốc giải phóng mặt bằng ngoài thực địa, đang kiểm kê đo đạc ngoài thực địa. Đến nay đã ban hành thông báo thu hồi đất đạt 99%. Hiện UBND thành phố Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An đã và đang trình thẩm định đơn giá đất theo quy định. Dự kiến ngày 15/6/2023 sẽ khởi công dự án, thi công cơ bản hoàn thành, thông xe tuyến chính cao tốc trong năm 2025 và hoàn thành toàn bộ dự án năm 2026.
Dự án Xây dựng đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương có điểm đầu tuyến là cầu Thủ Biên, điểm cuối tuyến là sông Sài Gòn. Có tổng chiều dài tuyến khoảng 48,3km. Các đoạn tuyến đã đầu tư có chiều dài 22,64km, gồm 04 đoạn: Đoạn cầu Thủ Biên – Đất Cuốc dài 12,96km; đoạn qua Khu công nghiệp (KCN) Việt Nam - Singapore (VSIP) IIA dài 1,36km, đoạn từ KCN Mỹ Phước 3 – cầu Thới An dài 6,76km; đoạn cầu Thới An – ĐT748 dài 1,56km. Các đoạn tuyến chưa đầu tư có chiều dài 25,66km, gồm 03 đoạn: Đoạn Đất Cuốc đến đường ĐT742, dài 14,53km; đoạn từ KCN VSIP IIA – KCN Mỹ Phước 3 dài 4,07km; đoạn đường ĐT748 - sông Sài Gòn, dài 7,06km. Đến nay, UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 đoạn từ cầu Thủ Biên – sông Sài Gòn theo hình thức PPP. Cụ thể, giai đoạn 1: đoạn từ cầu Thủ Biên – Đất Cuốc (dài khoảng 12,96km) thực hiện đầu tư 04 làn xe cao tốc đầy đủ và đường song hành 2 bên (hiện hữu); đoạn Đất Cuốc đến đường ĐT742 (dài khoảng 14,53km) thực hiện giải phóng mặt bằng quy mô 74,5m, đầu tư 04 làn xe cao tốc và đường song hành 2 bên tại khu vực có dân cư; đoạn từ ĐT742 đến cầu Thới An (dài khoảng 12,2km) giữ nguyên hiện trạng các đoạn đã được đầu tư (lộ giới 62m, 10 làn xe); đối với đoạn từ KCN VSIP IIA - KCN Mỹ Phước 3 dài khoảng 4,07km, thực hiện giải phóng mặt bằng với quy mô 62m, đầu tư đồng bộ theo các đoạn đã đầu tư trước đây (quy mô 10 làn xe); đoạn từ cầu Thới An đến sông Sài Gòn (dài khoảng 8,62km) thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) quy mô 74,5m, đầu tư 04 làn xe cao tốc và đường song hành tại khu vực có dân cư. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 20.331 tỷ đồng (trong đó chi phí GPMB khoảng 8.667 tỷ đồng, chi phí xây dựng và các chi phí khác là 11.664 tỷ đồng); thời gian thực hiện từ năm 2023 – 2026. Giai đoạn 2, đầu tư hoàn thiện 08 làn xe cao tốc hoàn chỉnh theo quy hoạch (riêng đoạn từ ĐT742 đến cầu Thới An dài 12,2km) đầu tư 04 - 06 làn xe cao tốc đầy đủ trên cao theo quy mô mặt bằng hiện trạng.
Dự án Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành gồm: Đoạn nối cao tốc dài khoảng 8,8km từ cầu Gò Dưa đến đường Vành đai 3 và đoạn cao tốc dài khoảng 60,4km. Dự án được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện dự án. UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận đề xuất lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành theo Luật PPP. Hiện Tổng công ty Becamex IDC đang khẩn trương hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định. UBND tỉnh Bình Dương đã chủ động báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương cho Dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (khoảng 6.160 tỷ đồng) từ nguồn vốn Trung ương, phương án đầu tư theo hình thức PPP.
Giai đoạn 1, đoạn thuộc tỉnh Bình Dương dài 0,35km do tỉnh Bình Dương thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh Bình Dương với quy mô đầu tư đường đô thị, 8 làn xe. Đoạn cao tốc từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Phước (dài khoảng 45,6km) giải phóng mặt bằng quy mô lộ giới 60m; đầu tư 04 làn xe cao tốc đầy đủ và đường song hành qua các vị trí dân cư; chi phí đầu tư khoảng 16.196 tỷ đồng (trong đó GPMB khoảng 7.388 tỷ, chi phí xây dựng và các chi phí khác khoảng 8.808 tỷ).
Giai đoạn 2, đoạn dẫn cao tốc từ đường Độc Lập – Vành đai 3 thực hiện một số giải pháp kỹ thuật trên tuyến như xây dựng cầu vượt – hầm chui trên các đường ngang, đường nhánh, hạn chế giao cắt nhằm nâng tốc độ khai thác đoạn tuyến này lên tốc độ 80km/h. Đoạn cao tốc từ đường Vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 06 làn xe cao tốc, 02 làn dừng khẩn cấp, bao gồm các nút giao.
Theo ông Nguyễn Anh Minh, mặc dù đã bố trí đủ nguồn vốn để triển khai các dự án, tuy nhiên tiến độ triển khai các dự án đang gặp khó khăn trong công tác xác định giá đất bồi thường giải phóng mặt bằng; xây dựng các khu tái định cư tại địa bàn Thuận An, Dĩ An.
Tiếp tục quan tâm, chăm lo cho người lao động
Theo báo cáo của Liên đoàn Lao động tỉnh, trước tác động của tình hình kinh tế, chính trị thế giới nên đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, nhất là ngành may mặc, giày da và chế biến gỗ, kéo theo ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nhiều công nhân, lao động, do giảm giờ làm, tạm hoãn hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng lao động. Theo số liệu thống kê từ các cấp Công đoàn, đến nay, số người lao động trở lại làm việc trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 93%, riêng trong khu công nghiệp, tỷ lệ công nhân trở lại làm việc đạt 98%. Bên cạnh đó, có khoảng hơn 180.000 lao động bị giảm giờ làm, hơn 29.000 lao động bị tạm hoãn hợp đồng và có khoảng 22.000 lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động. Trong đó, các ngành da giày, dệt may, gỗ tiếp tục bị ảnh hưởng nhiều. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong quý II/2023 trên địa bàn tỉnh khoảng 8.000 đến 10.000 lao động.
Bà Nguyễn Kim Loan – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh báo cáo tình hình chăm lo cho người lao động
Theo bà Nguyễn Kim Loan – Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, trước tình hình trên, ngay từ đầu năm, các cấp Công đoàn tỉnh Bình Dương đã xác định rõ nhiệm vụ trong việc chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; chung tay cùng với người lao động và doanh nghiệp, góp phần tích cực trong ổn định lao động, việc làm, ổn định thu nhập. Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ, ngày 16/01/2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, chấm dứt hợp đồng lao động do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng, Liên đoàn Lao động tỉnh và tổ chức Công đoàn các cấp đã và đang tích cực triển khai hướng dẫn, tiếp nhận hồ sơ, đảm bảo đúng, trúng đối tượng và quyết định giải ngân hỗ trợ kịp thời. Tính đến nay có 4.177 hồ sơ nộp về Liên đoàn Lao động tỉnh, hiện các phòng chuyên môn, tổ giúp việc đang tiến hành khẩn trương thẩm định.
Thời gian tới, Liên đoàn Lao động tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu và có những đề xuất, kiến nghị với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có những chính sách tốt hơn trong việc chăm lo, hỗ trợ người lao động như chính sách hỗ trợ mua hoặc thuê nhà ở xã hội, chính sách về tiền lương, thưởng khi người lao động có sáng kiến, đóng góp tích cực cho doanh nghiệp…
Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Thông tin thêm về tình hình kinh tế-xã hội quý I/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, trong quý I/2023, tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, mặc dù doanh nghiệp đã chủ động thay đổi phương thức tiếp cận, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm khách hàng mới nhưng số lượng đơn hàng và quy mô đơn hàng giảm mạnh. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 0,15% so với cùng kỳ năm 2022 (quý I/2022 tăng 7,2%). Tình hình xuất, nhập khẩu gặp nhiều khó khăn; các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, các thị trường xuất khẩu chính tiếp tục giảm nhu cầu do ảnh hưởng từ lạm phát, suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu dùng thấp. Kim ngạch xuất khẩu giảm 18,7% (quý I/2022 tăng 9,8%); tình hình xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực của tỉnh giảm như sản phẩm gỗ (giảm 41,5%), máy móc – thiết bị (giảm 7,4%), dệt may (giảm 17,4%), giày da (giảm 12,5%). Kim ngạch nhập khẩu giảm 14% (quý I/2022 tăng 0,2%).
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh thông tin thêm về tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích các kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; đề xuất giải pháp để tăng thêm biên chế công chức, viên chức các ngành; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất…
Ông Phạm Trọng Nhân – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình giải ngân vốn đầu tư công
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, tình hình kinh tế-xã hội của tỉnh quý I/2023 tuy có một số chuyển biến tích cực nhưng còn tồn tại nhiều khó khăn, cần khắc phục trong thời gian tới. Do đó, đòi hỏi các ngành, các cấp phải nêu cao tinh thần, trách nhiệm, trước hết phải tập trung giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp bằng các giải pháp cụ thể; làm dứt điểm từng việc để động viên doanh nghiệp tiếp tục đồng hành cùng với tỉnh vượt qua khó khăn. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở phía Nam di dời vào các khu, cụm doanh nghiệp phía Bắc của tỉnh; tháo gỡ khó khăn trong xác định giá đất để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh, đặc biệt là các tuyến đường Vành đai 3, 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh- Thủ Dầu Một-Chơn Thành; thực hiện tốt chính sách tái định cư, đền bù giải tỏa. Đến tháng 6/2023, phải thông qua kế hoạch chỉnh trang đô thị trên địa bàn tỉnh, nhất là tại địa bàn các thành phố. Rà soát, đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các dự án tái định cư trên địa bàn tỉnh; giải quyết dứt điểm các dự án có nhiều khiếu kiện kéo dài; phấn đấu trong tháng 6/2023 phải khởi công dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh, cuối năm 2023 phải khởi công đường Vành đai 4, đầu năm 2024 khởi công đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành; đẩy nhanh tiến độ đưa vào hoạt động Bệnh viện 1.500 giường.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu kết luận hội nghị
Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị, tập trung triển khai công tác lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội; tổ chức các hoạt động thiết thực chăm lo tốt hơn nữa cho các đối tượng chính sách, người lao động. Tập trung đầu tư các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người lao động; xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh; phấn đấu tháng 6/2023 không còn tiếp nhận hồ sơ giấy.
Nguồn: Trích Trang Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.