Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, địa phương trong tỉnh.
Báo cáo tại hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Minh Thủy cho biết, thực hiện Đề án 711-QĐ/TU ngày 11/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (gọi tắt là Đề án 711), với quyết tâm chính trị cao, Bình Dương cơ bản thực hiện mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, giảm cấp trung gian, số lượng lãnh đạo và đầu mối bên trong; thực hiện thí điểm một số mô hình về tổ chức bộ máy và kiêm nhiệm một số chức danh ở các cấp và tinh giản ít nhất 10% biên chế giai đoạn 2015 – 2020.
Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nguyễn Minh Thủy báo cáo tại hội nghị
Tỉnh đã thực hiện hợp nhất Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh và Đảng bộ Khối Doanh nghiệp theo Kết luận số 34-KL/TW ngày 07/8/2018 của Bộ Chính trị và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01/7/2019. Đảng bộ Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh hiện nay có 139 tổ chức cơ sở Đảng (68 đảng bộ cơ sở, 71 chi bộ cơ sở), với tổng số 8.217 đảng viên.
Đại hội Đảng bộ các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 đã thực hiện việc giảm khoảng 5% số lượng cấp ủy viên cấp tỉnh, cấp huyện. Giảm 01 Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện.
Đến nay, Bình Dương đã giảm 04 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh; các cơ quan tham mưu, giúp việc của Tỉnh ủy, MTTQ, các đoàn thể, các sở, ngành cấp tỉnh giảm từ 1-2 phòng. Cụ thể: Khối Đảng tỉnh giảm 08 phòng; MTTQ và khối đoàn thể tỉnh giảm 10 phòng, ban; Đảng ủy Khối các Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh giảm 06 phòng, ban; đơn vị sự nghiệp thuộc Tỉnh ủy giảm 06 phòng, khoa; khối hành chính Nhà nước tỉnh giảm 36 phòng.
Việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy tổ chức của hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ảnh: Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công Thủ Dầu Một hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính
Thực hiện kiêm nhiệm chức danh, Bình Dương thực hiện Trưởng Ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Cấp huyện thực hiện Trưởng Ban Tổ chức kiêm Trưởng phòng Nội vụ tại 02/09 địa phương; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kiêm Chánh Thanh tra cấp huyện tại 06/09 địa phương; Trưởng Ban Dân vận đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện tại 09 địa phương. Hoàn thành việc thực hiện Trưởng Ban Tuyên giáo kiêm Giám đốc Trung tâm chính trị ở cấp huyện.
Cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã đã giảm hơn 20% số lượng. Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp xã có 49/91 đơn vị; Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã có 15/91 đơn vị; Phó Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp xã có 34/91 đơn vị; Phó Chủ tịch HĐND đồng thời là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy xã có 08/91 đơn vị thực hiện. Ở ấp, khu phố còn từ 3 - 4 người hoạt động không chuyên trách.
Về tinh giản biên chế, từ năm 2017 đến năm 2022, khối Đảng, Ủy ban MTTQ, các đoàn thể giảm 342 biên chế, tỷ lệ giảm 27,14 % (đạt yêu cầu Đề án 711 đề ra). Khối Hành chính Nhà nước giảm 822 biên chế, tỷ lệ giảm 31,06% (cao hơn 7,87% so với Đề án đề ra). Số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách cấp xã giảm 971 người, tỷ lệ 25,5%. Số lượng người hoạt động không chuyên trách tại ấp, khu phố giảm 1.902 người, tỷ lệ 55,54%. Biên chế sự nghiệp (kể cả giáo dục và đào tạo, không kể hợp đồng theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP) giảm 2.272 biên chế (tỷ lệ 8,97%).
Tuy nhiên, theo đánh giá tại hội nghị, việc triển khai thực hiện Đề án 711 vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Quy định về số lượng, chế độ chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã, khu phố, ấp chưa phù hợp với quy mô dân số, khối lượng công việc và yêu cầu nhiệm vụ; việc triển khai kiêm nhiệm còn nhiều lúng túng, hạn chế, bất cập; cơ chế kiểm soát quyền lực của cán bộ kiêm nhiệm chưa đầy đủ và đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả chưa cao; tổ chức bộ máy, biên chế các tổ chức của hệ thống chính trị chủ yếu giảm cơ học...
Ông Đặng Văn Long - Bí thư Chi bộ khu phố 11, phường Phú Cường, TP.Thủ Dầu Một chia sẻ tại hội nghị
Thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng biên chế ở địa phương, bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, đúng quy định. Bố trí biên chế phù hợp với mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn trên cơ sở dân số và mức độ công việc, không phân bổ đều ở các địa phương; đầu tư tối đa nguồn lực, xây dựng chế độ chính sách phù hợp để nâng cao hoạt động của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị, đặc biệt là hệ thống chính trị ở cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh, việc sắp xếp, đổi mới tổ chức bộ máy chính trị của tỉnh phải đảm bảo nguyên tắc tuân thủ các quy định của Trung ương, sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện của Tỉnh ủy và đảm bảo chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, không tăng biên chế.
Thời gian tới, ông yêu cầu các cấp ủy Đảng cần tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo; xây dựng nghị quyết về tổ chức bộ máy và chính sách đối với hệ thống chính trị phải ngắn gọn, trọng tâm, rõ nguồn lực thực hiện, thông qua HĐND tỉnh tại kỳ họp giữa năm 2023. Các cấp chính quyền tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Xây dựng chính sách để bố trí nguồn lực, có kế hoạch giảm đầu mối đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh xã hội hoá nhất là giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao, công viên, cây xanh… Nghiên cứu nâng mức kinh phí hoạt động, tăng đầu tư trang thiết bị cho cấp xã, phường.
Nguồn: Trích Trang Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.