Tham dự có ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Peter Porthenie và ông Joost Helms là thành viên Ban điều hành Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương cùng lãnh đạo các sở, ngành.
Tại buổi họp, đề xuất định hướng chương trình thực hiện Đề án TPTM Bình Dương giai đoạn 2021-2026, ông Peter Porthenie cho rằng, để kinh tế Bình Dương phát triển bền vững phải đi kèm với các nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể là nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ba nhà (Nhà nước, Doanh nghiệp và trường học); phát triển kinh tế đi kèm với xã hội và tăng trưởng xanh. Ông cũng đưa ra những dự án tiên phong như chiến lược phát triển các khu công nghiệp khoa học công nghệ; thành lập các Trung tâm điều hành thông minh (IOC)…
Báo cáo về nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số năm 2022, Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, đã đề xuất triển khai 100 Dịch vụ công trực tuyến có số lượng hồ sơ nhiều nhất trong khoảng thời gian từ 01/01/2016 đến nay bao gồm cả 25 dịch vụ công thiết yếu, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2022. Đặc biệt, sẽ tổ chức triển khai thí điểm Trung tâm điều hành thông minh – IOC tại tầng 1, tháp A, Tòa nhà Trung tâm Hành chính tỉnh, có 08 phân hệ chính gồm 17 nhóm chức năng, lĩnh vực cơ bản như: Giám sát lĩnh vực kinh tế - xã hội; giám sát hành chính công; giám sát tài nguyên môi trường, giám sát hoạt động khu công nghiệp; giám sát an ninh, an toàn thông tin, giám sát thông tin quy hoạch…, dự kiến công bố vào dịp 30/4/2022.
Cùng với đó, trong năm 2022, sẽ tập trung triển khai hệ thống camera giám sát, điều hành giao thông, an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn tỉnh; Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; các Nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số; Trung tâm Giám sát an toàn thông tin mạng tỉnh Bình Dương (SOC); Kho dữ liệu dùng chung, SSO + OTP, Supper App cho cán bộ, công chức, người dân…
Toàn cảnh buổi họp
Để triển khai hiệu quả Kế hoạch cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2021- 2025 và năm 2022, đại diện Sở Nội vụ đã đề xuất tổ chức Hội nghị trực tuyến 03 cấp (tỉnh, huyện, xã) để quán triệt, triển khai Chỉ thị của Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác CCHC. Đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cấp tỉnh; kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ xác thực, định danh và giải quyết TTHC; triển khai thực hiện nhiệm vụ về xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, chính quyền số, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước.
Kết luận buổi họp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu các ngành phải quyết liệt xúc tiến, đảm bảo đủ nguồn lực cũng như đề ra lộ trình, kế hoạch và phương án cụ thể để tăng cường chuyển đổi số. Năm 2022, công tác chuyển đổi số trong giải quyết TTHC phải đạt 30% và đến năm 2024 sẽ thực hiện hoàn tất chuyển đổi số trên toàn tỉnh. Đồng thời, đề nghị nhanh chóng đưa IOC về cơ sở; trong năm 2022, 03 thành phố và 02 thị xã của tỉnh phải thực hiện xong việc thành lập IOC và hoàn tất tại các địa phương còn lại vào năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại buổi họp
Về cải cách TTHC, Bí thư nhấn mạnh, Chính quyền số là dẫn dắt, do đó phải ưu tiên thực hiện Chính quyền số. Bên cạnh đó, triển khai doanh nghiệp số và công dân số phải có sự tương tác, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; thành lập các đội tình nguyện hướng dẫn thực hiện TTHC điện tử. Cốt lõi của việc CCHC và chuyển đổi số hướng đến xây dựng TPTM Bình Dương chính là gia tăng quyền lợi được thụ hưởng của người dân và tăng tốc phát triển của tỉnh trong thời gian tới.
Nguồn: trích Trang Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.