Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hoàng Thao – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh.Kiến nghị tạo cơ chế đặc thù cho Bình Dương
Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội năm 2021 trên địa bàn tỉnh, ông Võ Văn Minh cho biết, năm 2021, tuy tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng Bình Dương vẫn đạt và vượt 10/18 chỉ tiêu Nghị quyết năm 2021 của Tỉnh ủy; 08 chỉ tiêu chưa đạt nhưng có mức tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, tăng trưởng Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm đạt 7,23% nhưng do ảnh hưởng của dịch bệnh, cả năm chỉ đạt 2,79%. GRDP bình quân đầu người đạt 153,6 triệu đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,5% (năm 2020 tăng 8,02%, Kế hoạch năm 2021 tăng 9,2%). Xuất, nhập khẩu tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31 tỷ 500 triệu đô la Mỹ (năm 2020 đạt 27 tỷ 443 triệu đô la Mỹ), tăng 13,5%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 24 tỷ 600 triệu đô la Mỹ (năm 2020 đạt 21 tỷ 446 triệu đô la Mỹ), tăng 14,7%. Thặng dư thương mại đạt 6,8 tỷ đô la Mỹ. Tổng thu ngân sách ước đạt 61.200 tỷ đồng, đạt 104% dự toán HĐND tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh báo cáo với Đoàn về tình hình phát triển kinh tế-xã hội, kiến nghị của Bình Dương
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện chế độ, chính sách cho người có công, người nghèo và hỗ trợ các đối tượng khó khăn, công nhân lao động, nhất là trẻ mồ côi cha, mẹ do dịch Covid-19. Dự kiến ngân sách chi tiền Tết 2022 khoảng 230 tỷ đồng (tăng 7% so với năm 2021). Do tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, dự kiến Tết năm 2022, số lượng người lao động không về quê, ở lại Bình Dương đón Tết khoảng 500.000 người. Trong điều kiện gặp nhiều khó khăn nhưng đa số các doanh nghiệp vẫn cố gắng duy trì thưởng Tết cho người lao động với mức bình quân 1 tháng lương. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các đoàn thể chính trị xã hội các cấp trong tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình thăm, tặng quà cho các đối tượng khó khăn, trong đó có công nhân lao động. UBND tỉnh hỗ trợ tặng quà cho 23.950 người với tổng số tiền 11,9 tỷ đồng. Các cấp Công đoàn trích tài chính Công đoàn dự kiến chi hỗ trợ 639.013 đoàn viên, người lao động, mỗi suất 300.000 đồng với tổng số tiền hơn 191 tỷ đồng và tổ chức các hoạt động thăm, tặng quà cho công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đã kiến nghị Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội xem xét cho tỉnh được hưởng một số cơ chế đặc thù mà các địa phương khác đang được thí điểm như được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ vay về cho tỉnh vay lại; cho phép địa phương chủ động sử dụng nguồn vốn cải cách tiền lương chưa sử dụng đến để bổ sung thêm vốn thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; cho tỉnh được huy động, vay vốn đầu tư từ các nguồn phù hợp vượt hạn mức bội chi ngân sách địa phương quy định đối với tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 với mức lãi suất ưu đãi để cung cấp vốn tín dụng cho các dự án.
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng kiến nghị bổ sung thêm 512 biên chế công chức và 2.754 biên chế cho ngành Y tế, Giáo dục của tỉnh trong năm 2022. Hỗ trợ cho tỉnh vay khoảng 10.000 tỷ đồng từ gói phục hồi kinh tế để cùng các nguồn vốn hợp pháp khác triển khai thực hiện kế hoạch xây 1 triệu căn nhà ở cho công nhân lao động.
Tạo mọi điều kiện để Bình Dương phát triển
Thảo luận tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành đánh giá rất cao mức tăng trưởng của Bình Dương trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, doanh nghiệp phải chuyển sang sản xuất "3 tại chỗ". Góp ý về định hướng phát triển của Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng, Bình Dương cần tập trung quy hoạch cảng sông, cảng cạn với quy mô lớn để tạo điều kiện cho việc lưu thông hàng hóa. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải mở rộng cảng cạn trên sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
Ông Lê Thanh Vân - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc
Đối với các kiến nghị của Bình Dương liên quan đến tài chính, ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đã giải trình cụ thể từng nội dung. Các đại biểu cho rằng, về cơ bản, các kiến nghị của Bình Dương đều phù hợp và nếu được Quốc hội đồng ý, các Bộ ngành sẽ phối hợp với địa phương triển khai các bước cụ thể.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2021 là năm đầy cam go, đặc biệt khó khăn, thách thức đối với việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, cả nước đã bảo đảm công tác an sinh, thực hiện tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội. Năm 2021, tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh, thành khu vực phía Nam bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19; hầu hết hoạt động kinh tế - xã hội của tỉnh ngưng trệ, đa số doanh nghiệp tạm ngưng hoặc thu hẹp sản xuất, nỗ lực duy trì sản xuất theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Mặc dù vậy, với sự đoàn kết, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà, Bình Dương đã phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, duy trì các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt công tác an sinh với phương châm "không để ai bị bỏ lại phía sau".
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ kết luận buổi làm việc
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ghi nhận, biểu dương những kết quả tỉnh Bình Dương đạt được trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, trong thời gian tới tỉnh Bình Dương cần tiếp tục tập trung công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và phát triển kinh tế trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19; đặc biệt thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo Tết Nguyên đán chu đáo cho người dân, người lao động; tập trung công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tiếp tục quan tâm chỉ đạo việc đổi mới hoạt động của HĐND các cấp…
Nhấn mạnh Bình Dương cần tập trung lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050, Chủ tịch Quốc hội lưu ý tỉnh đặc biệt quan tâm đến quy hoạch y tế cơ sở, y tế dự phòng đáp ứng với yêu cầu trong tình hình mới. Đồng thời, rà soát hệ thống chính trị cơ sở để phát huy điểm mạnh, khắc phục những điểm yếu, thiếu sót. Tập trung phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trong xây dựng Thành phố thông minh Bình Dương. Sớm ban hành quy hoạch kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025. Cụ thể hóa các chỉ đạo của Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh thời gian tới và triển khai hiệu quả các gói chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của Chính phủ.
Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng đây là những kiến nghị chính đáng. Ông đề nghị các Bộ, ngành phối hợp tháo gỡ vướng mắc và có văn bản đề nghị Chính phủ xem xét, giải quyết để hỗ trợ tỉnh phát triển kinh tế-xã hội năm 2022 và những năm tiếp theo.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác, đặc biệt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ông cho biết, tỉnh sẽ cụ thể hóa chỉ đạo này vào phương hướng, nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian tới; đồng thời tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, xây dựng Bình Dương ngày phát triển bền vững.
Nguồn: Trích Trang thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.