Tham dự Hội nghị có các đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng: Lê Quang Hùng, Bùi Hồng Minh; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; các Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ Xây dựng và hơn 200 doanh nghiệp, 30 hiệp hội nghề nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự tại Hội trường và hàng nghìn doanh nghiệp, cơ quan nhà nước tại 63 điểm cầu trực tuyến trên toàn quốc.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho biết, thủ tục đầu tư xây dựng là những thủ tục hành chính có vai trò thiết yếu, ảnh hưởng trực tiếp đến việc gia nhập thị trường, đưa nguồn lực vào sản xuất và sự phát triển về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế. Thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng là một trong những hoạt động quan trọng đầu tiên khi doanh nghiệp khởi sự kinh doanh và ảnh hưởng sâu sắc đến sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp. Chính vì tầm quan trọng đó, Chính phủ Việt Nam đã từng bước thực hiện những điều chỉnh về cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư xây dựng. Việc ban hành các bộ luật như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Đấu thầu đã cải thiện về căn bản tính minh bạch về pháp lý, tăng cường sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn trong các dự án đầu tư xây dựng. Bên cạnh điều chỉnh khung pháp lý, Chính phủ cùng chính quyền các địa phương cũng có những nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh thông qua đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong lĩnh vực này. Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/01/2021 về “Tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia” đã giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương cần “giải quyết các bất cập do quy định chưa cụ thể, chồng chéo, mâu thuẫn về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư, đất đai, xây dựng và tài nguyên, môi trường.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị
Theo Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công, qua khảo sát trực tiếp gần 2000 doanh nghiệp trong tổng số 10.200 doanh nghiệp phản hồi khảo sát của VCCI cho thấy, thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và một số lĩnh vực liên quan vẫn còn nhiều khó khăn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành, liên quan đến thẩm quyền của nhiều cơ quan nhà nước và nhiều cấp chính quyền khác nhau. Bản thân các cơ quan chính quyền cấp thực thi cũng gặp khó khăn trong áp dụng pháp luật và có thể đối mặt với rủi ro pháp lý. Do đó, Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp được tổ chức nhằm nhận diện những khó khăn thực tế của doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan, đồng thời đưa ra các giải pháp cải thiện chính sách, hỗ trợ doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19, góp phần vào phục hồi nền kinh tế đất nước. Hội nghị gồm 2 phiên thảo luận lớn, bao gồm: Phiên 1: Công bố Báo cáo “Thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư – đất đai – xây dựng – môi trường: Một số kết quả từ Khảo sát doanh nghiệp năm 2020”. Đây là Báo cáo do VCCI chủ trì thực hiện với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Úc về hỗ trợ nguồn lực và sự hỗ trợ về chuyên môn của các Bộ, ngành Trung ương. Phiên 2: Nhận diện khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp và kiến nghị các giải pháp tháo gỡ khi thực hiện thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, đối thoại với doanh nghiệp là hoạt động đã được Bộ Xây dựng duy trì trong nhiều năm qua, là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế của Bộ, thể hiện mong muốn phục vụ, cầu thị và luôn lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp đối với Bộ Xây dựng. Qua các nhiều lần đối thoại trước, tiếp nhận góp ý, kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, các hội, hiệp hội nghề nghiệp, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh. Riêng trong 10 tháng đầu năm 2021, Bộ đã bãi bỏ 3 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện; cắt giảm, đơn giản hóa 59/172 điều kiện đầu tư kinh doanh đối với 9 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (đạt 34,3%); cắt giảm, đơn giản hóa 9 thủ tục hành chính; cắt giảm yêu cầu, điều kiện đối với một số đối tượng khi thực hiện hoạt động xây dựng trong 3 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tích hợp, thay thế 5 Nghị định, 7 Thông tư vào 2 Nghị định. Gần đây nhất, Bộ Xây dựng đã tham mưu, trình và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong năm 2021 và năm 2022, hứa hẹn tạo ra các hỗ trợ thực chất nhất cho doanh nghiệp ngành Xây dựng, tạo ra sự đột phá trong nâng cao Chỉ số cấp phép xây dựng của Ngành.
Toàn cảnh Hội nghị tại điểm cầu trực tuyến Hà Nội
Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định trong cải cách thủ tục hành chính, cải thiện Chỉ số cấp phép xây dựng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Bộ Xây dựng vẫn luôn nhận thức rằng thủ tục hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng vẫn phải tiếp tục được cải cách và dư địa cải cách còn rất lớn. Qua phiên đối thoại, Bộ Xây dựng mong muốn nhận được những đánh giá khách quan, thẳng thắn và trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về môi trường đầu tư kinh doanh ngành Xây dựng cũng như các khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng trên thực tế, làm cơ sở để Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục đề xuất các giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.
Nguồn: Trích Cổng thông tin điện tử Bộ Xây dựng.