Từ năm 2016 đến nay, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương có nhiều chuyển biến tích cực, lạm phát được kiềm chế, kinh tế tiếp tục phát triển tích cực và khá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, nhiều chỉ tiêu quan trọng dự kiến đến cuối nhiệm kỳ sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Toàn cảnh buổi làm việc
Trong phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã chú trọng thực hiện 3 đột phá chiến lược. Đối với thực hiện đột phá chiến lược về thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa, tỉnh tập trung phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế.
Đối với thực hiện đột phá chiến lược về nhân lực chất lượng cao, trong 02 năm 2016-2017, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh mới và dạy nghề cho 73.693 học viên thuộc các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, dưới 3 tháng, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 74%; tổ chức dạy nghề cho 3.368 lao động nông thôn với nhiều ngành nghề khác nhau; thu hút 135 trường hợp là người tốt nghiệp đại học loại giỏi, bác sĩ đa khoa, người có trình độ sau đại học về công tác tại các cơ quan hành chính, đơn vị sư nghiệp của tỉnh; các trường đại học trên địa bàn tỉnh đã có các chương trình hợp tác với nhiều trường đại học ở các quốc gia có nền học thuật tiên tiến như: Anh, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Đối với thực hiện đột phá chiến lược về hạ tầng đồng bộ, hiện đại, tỉnh đã bước đầu huy động, thu hút nhiều nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông các công trình giao thông đối ngoại quan trọng trong tỉnh theo hướng đồng bộ liên hoàn, ưu tiên kết nối hợp lý giữa các trục quốc lộ, đường tỉnh với các đường huyện, với hệ thống giao thông quốc gia và các tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gọi tắt là Vùng) như: Đoạn tuyến trùng với các đường vành đai như đường Mỹ Phước – Tân Vạn, cầu Thới An, phối hợp với tỉnh Đồng Nai xây dựng cầu Bạch Đằng 2…
Bình Dương tiếp tục triển khai các giải pháp đảm bảo tăng trưởng ổn định và bền vững
Trong những năm qua, Vùng đã đạt được những kết quả nhất định trong phát triển kinh tế; cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo ra nhiều sản phẩm chủ lực cho phát triển chung của cả nước. Năm 2016, quy mô kinh tế theo giá hiện hành của Vùng chiếm 42,9% cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 97,5% triệu đồng/người (cao gấp 2 lần bình quân cả nước); tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Vùng đạt 86,1 tỷ đô la Mỹ, chiếm 49,2% cả nước; thu ngân sách năm 2016 đạt 528,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,9% thu ngân sách cả nước…Tuy nhiên đi vào thực chất, liên kết kinh tế trong Vùng vẫn còn một số điểm nghẽn chưa được khắc phục như:
Thiếu cơ chế, chính sách chung, kết nối hạ tầng giao thông trong Vùng chưa đồng bộ và thiếu vốn đầu tư để giải quyết các vấn đề phát sinh do chuyển dịch dân số giữa các địa phương.
Thông qua buổi làm việc, các thành viên trong Đoàn cán bộ của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương và Viện Chiến lược Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trao đổi và tiếp thu các ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các sở, ban, ngành tỉnh về cơ chế tài chính – ngân sách của Vùng, đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội cho Vùng; nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quy hoạch Vùng…
trích www.binhduong.gov.vn