Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm cũng như những hạn chế, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm; đồng thời, góp ý cho dự thảo Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025.
Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải sau phân loại được thu gom, vận chuyển, xử lý trong giai đoạn thực hiện thí điểm là 10.749,96 tấn, trong đó nhóm chất thải hữu cơ là 8.189,05 tấn (tương đương với 1.020 chuyến xe) và nhóm chất thải còn lại là 2.560,91 tấn (tương đương 319 chuyến xe).
Mặc dù đây là vấn đề mới của tỉnh, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể từ Trung ương, chưa có mô hình cụ thể được triển khai hiệu quả để tham khảo. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của UBND tỉnh và sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương, Kế hoạch thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt được một số kết quả khả quan.
Mô hình đã tiếp cận được với thực tế của tỉnh, đặc biệt hình thức giám sát đã thể hiện vai trò tích cực đối với hiệu quả phân loại chất thải rắn tại nguồn. Nội dung hướng dẫn và hình thức tuyên truyền sát với thực tế và trực quan giúp người dân dễ hình dung và thực hiện. Nhận thức của cán bộ quản lý Nhà nước về công tác phân loại chất thải rắn tại nguồn đã được nâng lên; ý thức của người dân đã bước đầu được hình thành và tạo được hiệu ứng trong cộng đồng thông qua các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức.
Dự thảo Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025 xác định, từ năm 2022-2024, phấn đấu đạt mục tiêu kiện toàn lại hệ thống, thời gian, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại từ cấp huyện đến cấp xã như lựa chọn, cải tạo điểm tập kết, trạm trung chuyển, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; xây dựng và ban hành lộ trình/tần suất thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt sau phân loại; thực hiện đấu thầu/đặt hàng lựa chọn các đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt. Đồng thời, hoàn thiện bộ tài liệu nội dung tuyên truyền hoạt động; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình và triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Đến năm 2025, tất cả các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đáp ứng mục tiêu: Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom, xử lý đạt 99%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được phân loại đạt từ 50%; tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế đạt trên 70%.
Toàn cảnh cuộc họp
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng đánh giá cao kết quả triển khai thí điểm phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại các địa phương cũng như các ý kiến đóng góp cho dự thảo Kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2022-2025. Đồng thời, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp thu các ý kiến để tổng hợp, điều chỉnh Kế hoạch và tham mưu UBND tỉnh ban hành.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng phát biểu tại cuộc họp
Ông Mai Hùng Dũng nhấn mạnh, sự quan tâm và chỉ đạo sâu sát của chính quyền địa phương, người đứng đầu tổ chức có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả phân loại chất thải rắn tại nguồn. Do vậy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cấp chính quyền cần thường xuyên, quyết liệt nhưng không chủ quan và có những giải pháp kịp thời dựa trên điều kiện thực tiễn của địa phương để đảm bảo mục tiêu đề ra.
Phân loại chất thải rắn tại nguồn cần một quá trình chuyển đổi từ nhận thức đến hành động và hình thành thói quen. Vì vậy, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giám sát; huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ về trách nhiệm phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cần được duy trì liên tục, thường xuyên đặc biệt đối với các nhà trọ, điểm kinh doanh, dịch vụ… do đặc thù biến động về dân cư và phát triển đô thị của tỉnh.
Nguồn: Trích Trang Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.