Tham dự có ông Nguyễn Văn Lợi - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Văn Dành - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành tỉnh, các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đầu tư trong nước trên địa bàn tỉnh.
Kinh tế từng bước phục hồi, thích ứng linh hoạt
Thông tin về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương tại hội nghị cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, kinh tế từng bước phục hồi tích cực, tăng trưởng GRDP quý I ước tăng 5,3%, quý II tăng 8,35% so với cùng kỳ. Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục là động lực, đóng góp chính vào tăng trưởng chung; khu vực dịch vụ có nhiều bước khởi sắc khi hầu hết các hoạt động dịch vụ, vui chơi giải trí sôi động trở lại.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các ngành sản xuất như: Dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử… đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược, ứng phó linh hoạt để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu. Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 8,35% so với cùng kỳ năm 2021.
Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó để phục hồi sản xuất
Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã cho thuê lại đất và nhà xưởng với tổng diện tích 196 ha. Tỉnh đã tổ chức động thổ Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III; đang triển khai đề án điều chỉnh đối với khu công nghiệp Bàu Bàng và Cây Trường.
Tỉnh tiếp tục tổ chức lựa chọn nhà thầu thực hiện Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định; thông qua phương án phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tiếp tục phối hợp các địa phương, đơn vị có liên quan nghiên cứu, đề xuất triển khai các thủ tục đầu tư tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; xúc tiến các thủ tục đầu tư một số công trình trọng điểm…
Những kết quả đạt được là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó phải kể đến sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp đầu tư trong nước, các Hiệp hội ngành hàng trên địa bàn tỉnh.
Doanh nghiệp cần tiếp sức
Tại hội nghị, các Hiệp hội, doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc và những đề xuất, kiến nghị để tiếp tục tạo thuận lợi cho quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp như: Giá xăng dầu cao ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu; doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng; chính sách ổn định giá thuê đất; xây dựng nhà ở xã hội và nhà trẻ cho con công nhân tại các khu và cụm công nghiệp…
Toàn cảnh hội nghị
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Liêm - Chủ tịch Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, tình hình sản xuất kinh doanh doanh nghiệp gỗ đang chịu không ít ảnh hưởng của thị trường thế giới. Các quốc gia thắt chặt chính sách tín dụng, lạm phát có xu hướng tăng dẫn đến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh và chưa có tín hiệu khả quan cho giai đoạn cuối năm 2022. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Mỹ, châu Âu có tỷ lệ đơn hàng xuất khẩu giảm. Bên cạnh đó, giá nguyên liệu sản xuất và sản phẩm, chi phí vật tư sản xuất, vận chuyển cũng đồng loạt tăng mạnh dẫn đến tình trạng nhiều nhà máy phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động. Trong khi đó các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.
Do đó, ông kiến nghị Trung ương, tỉnh có chính sách hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, ân hạn, giãn nợ, không giảm "room" tín dụng (giới hạn cho vay của ngân hàng) và cho doanh nghiệp vay hàng tồn kho; có giải pháp bình ổn giá nguyên vật liệu, vận chuyển. Cùng với đó, tăng cường các chương trình xúc tiến thương mại, phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, cải tiến công nghệ.
Bà Phan Lê Diễm Trang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương trình bày kiến nghị
Bà Phan Lê Diễm Trang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương cho biết thêm, hiện nay các doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận để áp dụng các tiêu chuẩn về môi trường, phòng cháy chữa cháy, chuyển đổi số... Bà mong muốn các doanh nghiệp được "tiếp thêm oxy" để tiếp tục duy trì và phát triển sản xuất. Hiệp hội Dệt may kiến nghị Trung ương, tỉnh có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn vay; có chính sách cho thuê đất ổn định và hỗ trợ doanh nghiệp chi phí thuê đất; thông báo cụ thể danh sách các doanh nghiệp cần di dời vào khu, cụm công nghiệp và thời gian di dời để doanh nghiệp chủ động sắp xếp hoạt động sản xuất, kinh doanh; có phương án hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.
Lãnh đạo Hiệp hội Logistics Bình Dương phát biểu
Chủ tịch Hiệp hội Logistics Bình Dương Nguyễn Quang Sang cho biết, thời gian qua trong bối cảnh giá xăng dầu tăng dẫn đến chi phí ngành logistics tăng cao. Theo ông, hệ thống giao thông kết nối của tỉnh tương đối tốt, tuy nhiên vẫn xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông nhất là các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, Mỹ Phước – Tân Vạn. Hệ thống kho bãi trên địa bàn tỉnh quy mô nhỏ và rải rác. Do đó ông mong muốn tỉnh tiếp tục có giải pháp khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông và quy hoạch đồng bộ hệ thống giao thông, kho bãi phục vụ hoạt động vận tải góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải nêu giải pháp chống ùn tắc giao thông và đầu tư các công trình giao thông trọng điểm
Qua ý kiến của doanh nghiệp, lãnh đạo UBND tỉnh và các sở ngành đã trả lời thỏa đáng những kiến nghị, vướng mắc về thủ tục hải quan; chính sách liên quan đến thuế; giải pháp giải quyết ùn tắc giao thông cũng như kế hoạch, chương trình đầu tư giao thông trọng điểm, thanh tra chuyên ngành tại các doanh nghiệp... Về việc hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn, đại diện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) - Chi nhánh tỉnh cho biết, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, chú trọng 5 lĩnh vực ưu tiên: phát triển nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; doanh nghiệp nhỏ và vừa; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 31 ngày 20/5/2022 hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đây là một "kênh" tín dụng quan trọng giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh sau dịch Covid-19. Để tăng khả năng tiếp cận vốn vay ngân hàng, ngoài những giải pháp từ phía NHNN và các tổ chức tín dụng, bản thân doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động của mình, chứng minh năng lực, tạo niềm tin để các tổ chức tài chính yên tâm cấp tín dụng.
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi ghi nhận những khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của doanh nghiệp. Bí thư yêu cầu UBND tỉnh, các sở ngành nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thật sự vào cuộc chia sẻ khó khăn, đồng hành cùng doanh nghiệp, "xem khó khăn của doanh nghiệp là khó khăn của chính mình". UBND tỉnh kiện toàn Tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách sát thực, tránh hình thức. Những vấn đề trong thẩm quyền thì phải giải quyết, trả lời ngay, những vấn đề vượt quá thẩm quyền thì ghi nhận báo cáo cấp trên để giải quyết thấu đáo. Chính sách Trung ương đã có phải vận dụng, khai thác triệt để tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tăng cường đối thoại với doanh nghiệp để lắng nghe, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, bức xúc của các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp nhằm tạo động lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh ổn định trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại hội nghị
Thay mặt lãnh đạo UBND tỉnh, ông Nguyễn Văn Dành ghi nhận và cảm ơn các doanh nghiệp đã đồng hành, chia sẻ cùng chính quyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sự nỗ lực của các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng đã góp phần cùng tỉnh vượt qua đại dịch, phục hồi và phát triển nhanh chóng. UBND tỉnh nghiêm túc tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy và sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các kiến nghị của doanh nghiệp. Ông yêu cầu lãnh đạo các sở ngành, địa phương tiếp tục theo dõi, chỉ đạo trong quá trình triển khai đối với các kiến nghị đã trả lời, đồng thời sớm trả lời, giải quyết các nội dung chưa được trả lời tại hội nghị. Tổ công tác tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục duy trì các kênh thông tin, kịp thời nắm bắt hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp duy trì và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nguồn: Trang Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.