Tại điểm cầu Bình Dương, tham dự có ông Nguyễn Hữu Yên - Phó Giám đốc Sở TTTT, đại diện các phòng thuộc Sở TTTT, Công an tỉnh, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Tiến Dũng - Phòng Thanh tra Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin, Bộ TTTT đã trình bày những nội dung cơ bản và điểm mới của Nghị định 14.
Ngày 27/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 14 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định 119/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong trong hoạt động báo chí, xuất bản.
Đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Nghị định này quy định thêm 13 hình thức xử phạt bổ sung "Đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới" đối với doanh nghiệp viễn thông (DNVT) nhằm tăng tính răn đe, nâng cao trách nhiệm của DNVT; ngăn chặn, hạn chế sim rác, tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo… Như vậy, DNVT còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung "Đình chỉ phát triển thuê bao mới" thay vì trước đây là đình chỉ hoạt động, đình chỉ cung cấp dịch vụ.
Theo đó, đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới từ 01 đến 03 tháng đối với hành vi: Vi phạm về thông báo cho thuê bao vi phạm; không dừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao vi phạm; không thực hiện giao kết hợp đồng với thuê bao thứ 4 trở lên; không lưu giữ thông tin thuê bao đúng quy định; không rà soát kiểm tra thông tin thuê bao theo quy trình... Đối với các vi phạm về giao kết hợp đồng theo mẫu điều kiện giao dịch chung, vi phạm của Điểm cung cấp dịch vụ viễn thông, DNVT còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới từ 01 đến 07 tháng tuỳ mức độ vi phạm.
Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung "Đình chỉ hoạt động phát triển thuê bao mới" được áp dụng đối với một số hành vi vi phạm về công bố, thay đổi nội dung trong giấy phép; thực hiện sai chương trình khuyến mãi như: Không đúng mức khuyến mại đã thông báo, không đúng đối tượng, không đúng với nội dung đã thông báo...
Hội nghị triển khai những điểm mới về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông
Với sự phát triển quá nhanh của dịch vụ viễn thông và dịch vụ truyền hình trả tiền dẫn đến tình trạng cáp điện, cáp viễn thông, cáp truyền hình kéo chằng chịt trên các trụ điện làm mất mỹ quan đô thị, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với tính mạng, tài sản người dân… Nghị định số 14 bổ sung 07 hành vi vi phạm tại khoản 2 Điều 40: Treo nhiều hơn 01 tủ/hộp cáp trên mỗi cột treo cáp; không treo biển báo độ cao tại vị trí thấp nhất khi cáp vượt qua đường giao thông, cầu, song; không có đầy đủ thông tin hoặc ký hiệu trên biển báo; không gắn thẻ sở hữu cáp viễn thông; khoảng cách tối đa gắn thẻ sở hữu cáp viễn thông là 300m, đối với cáp ngầm là 500m (xử phạt 30 – 50 triệu đồng); lắp đặt cáp ngoại vi viễn thông nhưng DNVT không gửi kế hoạch cho Sở TTTT địa phương (xử phạt 50 – 70 triệu đồng)... Các nội dung trên xây dựng trên căn cứ của Thông tư 20/2019/TT-BTTTT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về lắp đặt mạng cáp ngoại vi viễn thông.
Về an toàn thông tin mạng, Nghị định số 14 đã điều chỉnh "nâng mức xử phạt được tăng gấp đôi", với khung phạt từ 20 - 30 triệu đồng lên từ 40 - 60 triệu đồng đối với hành vi: Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân; cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân sai quy định; thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân...
Phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng đối với một số hành vi thực hiện tin nhắn rác, cuộc gọi rác
Nghị định số 14 cũng đã bổ sung thêm một số hành vi xử phạt về tin nhắn rác, cuộc gọi rác (Điều 94, Điều 95, Điều 96) Nghị định số 91/2020/NĐ-CP ngày 14/8/2020 của Chính phủ về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác, cuộc gọi rác. Cụ thể, phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Thực hiện quá 01 cuộc gọi quảng cáo tới 01 số điện thoại trong vòng 24 giờ mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; gửi tin nhắn quảng cáo ngoài khoảng thời gian từ 07 giờ đến 22 giờ mỗi ngày hoặc gọi điện thoại quảng cáo từ 08 giờ đến 17 giờ mỗi ngày mà không có thỏa thuận khác với người sử dụng; không hướng dẫn người sử dụng dịch vụ về cách thức chống tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư điện tử rác…
Hội nghị cũng đã triển khai các quy định về quản lý và xử lý vi phạm trong đăng ký sử dụng tên miền tại Việt Nam.
Nguồn: Trích Trang thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.