Báo cáo tiến độ triển khai Đề án, Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh, thành viên Tổ công tác cho biết, ngay khi có chỉ đạo của Chính phủ, Công an tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào tham mưu UBND tỉnh triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh. Trong đó đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các Quyết định thành lập, kiện toàn Tổ công tác triển khai Đề án gồm 23 thành viên. Ông Võ Văn Minh - Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng Tổ công tác. Đồng thời thành lập Tổ giúp việc cho Tổ công tác gồm 28 thành viên.
Ngày 15/3/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 1120/KH-UBND triển khai thực hiện Đề án. Đây là nội dung quan trọng đề ra các mục tiêu, quy định cụ thể lộ trình thực hiện và trách nhiệm của từng ngành, từng đơn vị trong triển khai thực hiện Đề án.
Đại tá Trần Văn Chính - Phó Giám đốc Công an tỉnh báo cáo tiến độ triển khai Đề án
Theo Đại tá Trần Văn Chính, Đề án góp phần chuyển trạng thái từ quản lý truyền thống sang ứng dụng khoa học công nghệ, kết nối, chia sẻ dữ liệu dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ xây dựng Chính phủ điện tử. Do đó rất cần sự đồng thuận, phối hợp của tất cả các sở, ban ngành, địa phương để việc triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh được thuận lợi và hiệu quả.
Tại cuộc họp, các thành viên Tổ công tác đã trao đổi, đánh giá các điều kiện về nguồn nhân lực, kỹ thuật (hạ tầng, đường truyền, máy móc, thiết bị, phần mềm, bảo mật…), các dịch vụ công thiết yếu… đáp ứng việc triển khai Đề án.
Chủ tịch UBND tỉnh kết luận cuộc họp
Kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh đánh giá cao sự chủ động của Công an tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh 2 nhiệm vụ trọng tâm của Tổ công tác là xây dựng cơ sở dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử (Công an tỉnh đang thực hiện) và sử dụng các dữ liệu này phục vụ cho chuyển đổi số. Các sở ngành, địa phương bám sát 2 nhiệm vụ trọng tâm này và các đầu việc cụ thể trong Kế hoạch số 1120/KH-UBND để triển khai thực hiện ngay trong năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất bổ sung thêm 30% dịch vụ công của tỉnh, cùng với 25 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án. Yêu cầu Công an tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp tổ chức hội nghị trực tuyến quán triệt, triển khai nội dung Đề án; rà soát, đánh giá thực trạng và mua sắm trang thiết bị để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình Đề án.
Kế hoạch số 1120/KH-UBND của UBND tỉnh đề ra mục tiêu cụ thể đối với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nhóm tiện ích phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhóm tiện ích phục vụ công dân số và hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư.
Cụ thể, hoàn thành tích hợp, cung cấp dịch vụ xác thực thông tin về số Chứng minh nhân dân (9 số) với Căn cước công dân trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; 100% tài khoản định danh điện tử của cá nhân đã được tạo lập bởi Cổng Dịch vụ công Quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh thực hiện được việc xác thực với danh tính điện tử do Bộ Công an cung cấp; hoàn thiện dữ liệu dân cư đảm bảo “đúng, đủ, sạch, sống”.
100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dưới hình thức Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và được định danh, xác thực điện tử hoặc xác thực, chia sẻ dữ liệu dân cư.
Tích hợp, phát triển các ứng dụng trên nền tảng hệ thống định danh và xác thực điện tử đối với các ứng dụng cốt lõi như: Ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chứng khoán, điện, nước… lên ứng dụng VNEID, mã QR của thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử; triển khai rộng rãi việc ứng dụng các tính năng của chip điện tử trên thẻ Căn cước công dân đối với các lĩnh vực tài chính, hoạt động ngân hàng và một số lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội khác…
Nguồn: Trích Trang Thông tin điện tử tỉnh Bình Dương.