Theo đó, mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là tập trung đầu tư các trục đường giao thông trọng điểm, huyết mạch của tỉnh và của Vùng, tiếp tục đề xuất kiến nghị Trung ương, phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để đẩy nhanh đầu tư, kết nối các tuyến đường vành đai, cao tốc,... theo quy hoạch Vùng nhằm giảm tải cho các tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh, nhất là các tuyến kết nối Bình Phước, vùng Tây Nguyên, các khu công nghiệp phía Tây Bắc TP.Hồ Chí Minh,... đến cảng biển, sân bay quốc tế.
Trong giai đoạn 2021-2025, tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp mở rộng, từng bước khắc phục ùn tắc giao thông trên các tuyến giao thông huyết mạch, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là các tuyến đường kết nối Vùng, đồng thời tiếp tục phát triển hạ tầng giao thông đô thị gắn với chỉnh trang đô thị.
Trong giai đoạn 2025-2030, sẽ hoàn thành cơ bản việc nâng cấp, mở rộng các tuyến đường giao thông huyết mạch của tỉnh, từng bước xây dựng các cầu vượt, giao lộ khác mức để nâng cao năng lực thông hành trên các tuyến đường huyết mạch.
Giai đoạn sau năm 2030 và định hướng đến năm 2045, tập trung đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông Bình Dương; nâng cao năng lực lập, triển khai và quản lý quy hoạch, đảm bảo phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trong đó tập trung đầu tư hệ thống đường trên cao, các nút giao khác mức liên thông trên các tuyến đường huyết mạch của tỉnh; đa dạng hóa các phương thức, các loại hình giao thông trên địa bàn tỉnh.
Cụ thể, đối với đường bộ, hoàn thành các dự án giao thông trục Bắc – Nam, Đông – Tây mang tính liên kết vùng theo quy hoạch của Trung ương đã được triển khai ở giai đoạn trước, tiếp tục đầu tư phát triển đường trên cao, nút giao khác mức liên thông trên các giao thông huyết mạch; đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông kết nối các trung tâm logistics, các cảng cạn (ICD), các bến bãi, điểm trung chuyển hàng hóa; xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông thông minh tỉnh Bình Dương, chuyển đổi số trong quản lý giao thông vận tải.
Đối với đường thủy nội địa, đầu tư và kêu gọi đầu tư hoàn thiện các đường giao thông kết nối với cảng thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng hệ thống cảng thủy nội địa đảm bảo quy mô theo quy hoạch.
Đối với đường sắt, phấn đấu xây dựng và đưa vào vận hành dự án kéo dài tuyến Đường sắt đô thị số 1 từ ga Suối Tiên đến phường Bình Thắng, tạo tiền đề xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt đô thị của tỉnh theo quy hoạch, đa dạng hóa phương thức vận tải hành khách công cộng; kêu gọi nhà đầu tư và xây dựng hoàn thành tuyến đường sắt công nghiệp từ Khu công nghiệp Bàu Bàng đến cảng Cái Mép – Thị Vải.
Kế hoạch | Tải về 2585-QD.signed.pdf |