Người dân hưởng thụ thành quảCó thể thấy, dù ở giai đoạn nào, các chương trình, chính sách XDNTM đều hướng về mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, đặt người dân ở vị trí trung tâm là mục tiêu, động lực của sự phát triển.
Trong 05 năm qua (2016-2020), thông qua Chương trình mục tiêu Quốc gia XDNTM, những chính sách của Trung ương, của tỉnh đầu tư cho phát triển nông thôn đã tạo ra diện mạo mới cho những vùng nông thôn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được nâng chất rõ rệt. Đến nay, toàn tỉnh đã đạt 100% tuyến đường xã và đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 100% tuyến đường trục ấp và đường liên ấp được nhựa hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho thúc đẩy tiêu thụ nông sản, hàng hóa quy mô lớn; đồng thời thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông thôn. Hệ thống chợ, khu thương mại và các điểm mua bán trao đổi hàng hóa đáp ứng nhu cầu phục vụ cho người dân nông thôn.
Làm đường giao thông nông thôn ở xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng
Dịch vụ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của người dân nông thôn được tăng cường; mạng lưới y tế cơ sở từng bước được củng cố và phát triển; toàn tỉnh đã có 100% số xã đạt chuẩn y tế. Mạng lưới viễn thông, điện thoại di động, Internet bao phủ mở rộng đến các ấp; 100% xã đều có nhà văn hóa ấp đạt tiêu chí. Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (tỷ trọng tương ứng là công nghiệp 63,99%, dịch vụ 33%, nông nghiệp 3,01%,). Với việc tập trung tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, người dân nông thôn được tiếp cận nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp, có hiệu quả gắn với việc làm ổn định.
Kinh tế phát triển đồng nghĩa với đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao, sự tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ xã hội tốt hơn. Thu nhập bình quân đầu người hiện tại ở nông thôn đạt 58 triệu đồng/người/năm (tăng 169% so với năm 2010); 100% nhà đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng, không còn nhà tạm, nhà dột nát. Bình Dương cũng là một trong 06 địa phương của cả nước có chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo Quốc gia (gấp 1,7 lần); tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh chỉ còn 1,3%, cơ bản không có hộ nghèo theo tiêu chuẩn Trung ương, không có hộ tái nghèo.
Trong chương trình hằng năm, các kế hoạch phát triển của tỉnh đều dành những "quyết sách" dành riêng cho người dân nông thôn như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ sản xuất, xây nhà nhân ái, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cho vay vốn ưu đãi sản xuất…
Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh xác định là chiến lược lâu dài và là yếu tố quyết định đến sự phát triển của tỉnh trong tương lai. Hệ thống cơ sở hạ tầng giáo dục ở nông thôn tiếp tục phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nông thôn với trên 66% trường học đạt chuẩn quốc gia, 100% trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia; từ đó đã nâng dần chất lượng dạy và học, tỷ lệ học sinh thi đỗ các cấp đều tăng qua các năm.
Nêu cao vai trò của người dân trong XDNTM
Trong quá trình XDNTM con người là yếu tố then chốt quyết định đến hiệu quả của phong trào. Trước sự chuyển mình của nông thôn, bên cạnh việc thừa hưởng những điều kiện sẵn có từ cơ sở vật chất, người dân nông thôn đã có sự hòa mình bắt kịp với xu thế mới của thời kỳ hội nhập bằng sự chủ động nắm bắt kiến thức khoa học kỹ thuật, hưởng ứng tích cực các phong trào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Sự đổi thay còn đến từ ý thức tự lực, tự cường, năng động bản lĩnh, ý chí khát vọng vươn lên làm giàu, dám nghĩ, dám làm của người nông dân.
Thông qua các buổi tham quan mô hình kinh tế hiệu quả, tham gia các buổi tập huấn KHKT, hội thảo về cây trồng do Hội nông dân phường tân hiệp thị xã Tân Uyên tổ chức, ông Lê Văn Hòn đã thử nghiệm thành công mô hình nấm bào ngư. Ngoài am hiểu về kỹ thuật, ông Hòn còn mạnh dạn ứng dụng công nghệ mới như sử dụng hệ thống tự động giảm chi phí nhân công, áp dụng các mô hình chuỗi liên kết sản xuất gắn với bảo quản, chế biến tiêu thụ nông sản; sản xuất nông sản sạch gắn với bảo vệ môi trường. Nhờ đó năng suất, chất lượng sản phẩm được nâng cao cho thu nhập kinh tế ổn định, sau khi trừ chi phí, mỗi ngày gia đình ông Hòn còn lãi ròng 1 triệu đồng.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo ra khí thế thi đua sôi nổi rộng khắp, trong 05 năm qua, toàn tỉnh có trên 132.000 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được nhiều doanh nghiệp, trang trại và hộ nông dân áp dụng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Các mô hình kinh tế tập thể được quan tâm củng cố và phát triển. Toàn tỉnh có 152 hợp tác xã (trong đó có 72 hợp tác xã nằm trên địa bàn 46 xã XDNTM) với trên 55.000 thành viên; có nhiều mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chuỗi giá trị hoạt động có hiệu quả, được mở rộng đầu tư, kinh doanh; 73 cơ sở, trang trại sản xuất nông nghiệp được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Chăn nuôi tập trung, ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển với 119 trang trại.
Mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính tại Khu công nghiệp công nghệ cao An Thái
Một trong những yếu tố góp phần làm nên thắng lợi trong công tác XDNTM của Bình Dương là các địa phương đã huy động được nguồn lực to lớn trong nhân dân. Người nông dân đóng vai trò chủ thể chính trực tiếp tham gia xây dựng quê hương. Theo đó, tổng vốn thực hiện Chương trình XDNTM giai đoạn 2016-2020 là hơn 14.000 tỷ đồng, trong đó vốn đóng góp của doanh nghiệp và nhân dân là 4.000 tỷ đồng. Riêng Hội Nông dân các cấp đã vận động hội viên nông dân tích cực tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tổng số tiền quyên góp hơn 6 tỷ đồng cùng 6.000 ngày công lao động để tiến hành xây mới 590km đường giao thông nông thôn, sửa chữa, làm mới 10 cầu, cống, đã có 37.000m2 đất được hiến để làm các công trình phúc lợi công cộng.
Trong quá trình XDNTM, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy tối đa theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Đối với các công trình trọng điểm của cơ sở, các địa phương đã công khai minh bạch các kế hoạch quy hoạch; tổ chức nhiều buổi đối thoại thông qua ý kiến nhân dân. Những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của nhân nhân, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các ban ngành, đoàn thể luôn vào cuộc kịp thời nắm bắt và tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Cuối năm 2019, Bình Dương cán đích mục tiêu 46/46 xã hoàn thành chỉ tiêu XDNTM. Những thành quả của giai đoạn 05 năm qua là kết quả tổng hợp từ chủ trương, đường lối, chính sách đúng đắn, cách làm sáng tạo, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và sự đồng thuận trong mọi tầng lớp nhân dân. Tỉnh xác định nhiệm vụ XDNTM năm 2020 và những năm tiếp theo phải gắn với phát triển bền vững trên cơ sở phát triển nông nghiệp theo hướng quy mô lớn, ứng dụng công nghệ.
Để đạt mục tiêu đó, ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, cộng đồng dân cư trong XDNTM để chủ động xây dựng các phong trào giao thông nông thôn, phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, đảm bảo an sinh xã hội, an ninh trật tự tại địa bàn cư trú; góp phần nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho nhân dân. Bên cạnh đó, tập trung huy động các nguồn lực nhằm đầu tư phát triển hoàn thiện hạ tầng nông thôn, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, đảm bảo cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu. Chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ; làm cơ sở thực hiện đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất. UBND các huyện, thị xã cần tập trung rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu; phấn đấu đến năm 2025 Bình Dương sẽ có 50% xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 10% xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, thu nhập bình quân đầu người tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020.
nguồn binhduong.gov.vn