Theo đó, từ nay đến năm 2030, tỉnh Bình Dương dự kiến sẽ xây mới, cải tạo và mở rộng 32 nghĩa trang nhân dân tập trung phục vụ liên huyện, liên đô thị, cụm xã nông thôn và vùng phụ cận.
Tổng nhu cầu đất quy hoạch nghĩa trang tới năm 2030 là 260ha, tới năm 2050 cần thêm 506ha.
Hoa viên nghĩa trang (phường Chánh Phú Hòa - thị xã Bến Cát)
Theo đồ án, tại các huyện phía bắc Tỉnh đều có quy hoạch cải tạo mở rộng và xây mới nghĩa trang. Còn lại khu vực phía nam Tỉnh bao gồm các đô thị Thuận An, Bến Cát, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên ưu tiên để dành quỹ đất phát triển đô thị.
Trong đó định hướng sẽ có 03 nghĩa trang cấp I được mở rộng và xây dựng mới là Hoa Viên nghĩa trang tại phường Chánh Phú Hòa (Thị xã Bến Cát); Nghĩa trang nhân dân Bình Mỹ (xã Bình Mỹ- Huyện Bắc Tân Uyên); Nghĩa trang nhân dân Tân Long (xã Tân Long, huyện Phú Giáo). Tổng diện tích quy hoạch nghĩa trang cấp I là 540 ha.
Từ nay đến năm 2050, tỉnh Bình Dương sẽ sử dụng đài hỏa táng tại Hoa viên nghĩa trang (Thị xã Bến Cát) và quy hoạch, đầu tư xây mới 01 cơ sở hỏa táng tập trung đặt tại công viên nghĩa trang cấp 1 (xã Định An, huyện Dầu Tiếng) với diện tích 1,0 ha; Đầu tư xây mới 06 nhà tang lễ để đáp ứng nhu cầu mai táng cho nhân dân.
Quá trình quy hoạch, các nghĩa trang hiện hữu nằm trong các phường nội thị, khu vực phát triển đô thị sẽ không mở rộng, khi không còn diện tích sử dụng phải tiến hành đóng cửa, hình thành các nghĩa trang cây xanh trong khu vực nội đô thị như: nghĩa trang Dĩ An, Lái Thiêu, nghĩa trang An Phú, Bình An…
Hoàn thành di dời đối với các nghĩa trang hiện hữu gây ô nhiễm môi trường, không có khả năng khắc phục, ảnh hưởng đến môi trường sống của cộng đồng; khu vực có vị trí thuộc phạm vi thực hiện dự án phát triển đô thị, thượng mại, dịch vụ hoặc là không phù hợp với quy hoạch xây dựng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương như các nghĩa trang nhỏ lẻ ở thị xã Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một thuộc khu phía Nam của Tỉnh Bình Dương.
Tổng kinh phí đầu tư cho việc quy hoạch nghĩa trang, các cơ sở hỏa táng, nhà tang lễ và di dời mộ đến năm 2030 ước tỉnh khoảng 865 tỷ đồng. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm 15%, vốn từ thu phí quản lý nghĩa trang 5% và nguồn vốn xã hội hóa chiếm khoảng 80%.
Việc định hướng, xây dựng nghĩa trang nhằm từng bước đưa việc sử dụng hình thức táng văn minh, hiện đại trở thành hình thức táng phổ biến của người dân, nhằm tiết kiệm quỹ đất và bảo vệ cho môi trường."
Nguyễn Hòa Lan - PTĐT&HTKT