Thông tin hoạt động
Thứ 4, Ngày 22/06/2022, 13:00
Hội thảo chuyên đề 4: “Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
22/06/2022
Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị là một trong những vấn đề quan trọng của tiến trình phát triển bền vững đô thị. Do vậy, sáng ngày 17/6/2022, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức, Hội thảo chuyên đề 4 được tổ chức với chủ đề “Phát triển các mô hình đô thị mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững”.

Hội thảo chuyên đề 4 có sự chủ trì của các đồng chí: TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; TS Hoàng Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng, Bộ Xây dựng; Bà Lương Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị.

 

TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc

Hội thảo quy tụ sự tham gia của khoảng 150 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu chính cùng hơn 350 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...

 

Đoàn chủ tọa hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nêu rõ, Đô thị hoá là tất yếu khách quan, là một động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Tại Việt Nam, trong thời gian qua, quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đô thị hóa đã tạo ra khu vực đô thị với không gian kinh tế được mở rộng và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hạ tầng phát triển, nguồn lao động dồi dào và thị trường lớn, từ đó tạo điều kiện cho phát triển các ngành công nghiệp và dịch vụ, thu hút FDI và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, nâng cao năng suất, chất lượng tăng trưởng kinh tế. Đô thị hóa nhanh đã kéo theo luồng di cư nông thôn - thành thị và luồng di cư từ các địa phương có tốc độ đô thị hóa thấp về các địa phương có tốc độ đô thị hóa cao, góp phần làm giảm tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội và điều tiết hiệu quả lao động. Cùng với quá trình đô thị hóa, nhiều mô hình phát triển đô thị mới xuất hiện như đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái, đô thị công nghiệp – thương mại – dịch vụ... Các mô hình đô thị mới này đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch mô hình kinh tế đô thị theo hướng tăng trưởng xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả bền vững, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nâng cao năng lực chống chịu, ứng phó với biến đổi khí hậu của hệ thống các đô thị.

 

Bà Lương Thị Hồng Hạnh, Phó Vụ trưởng Vụ Hạ tầng;, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu đề dẫn

Tuy nhiên, nhìn nhận và đánh giá thẳng thắn và khách quan cho thấy, trong thời gian qua, việc phát triển các đô thị mới theo mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh, đô thị thông minh phát triển còn ít, chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị. Các yếu tố văn hóa, cảnh quan đặc thù chưa được chú trọng trong phát triển đô thị; kiến trúc, bộ mặt đô thị còn thiếu bản sắc, thiếu điểm nhấn, tự phát. Nhìn chung, việc phân loại, nâng cấp đô thị chỉ đạt mục tiêu là tăng quy mô đất đai, dân số đô thị mà chưa coi trọng tới việc đổi mới, nâng cao chất lượng đô thị. Quá trình xây dựng đô thị thông minh mới trong giai đoạn đầu, chưa có chiến lược phát triển, số lượng các đô thị mới xây dựng theo mô hình đô thị thông minh còn hạn chế. Mô hình đô thị bền vững, đô thị xanh chưa được chính thức hóa cũng như chưa được nghiên cứu và triển khai phù hợp với từng vùng, miền và loại, cấp đô thị.

 

Ông Alexander Nash, Chuyên gia về Phát triển Đô thị, ADB phát biểu tham luận

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển cho biết, Trước tình hình đó, thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao Ban Kinh tế Trung ương đã chủ trì nghiên cứu, trình Bộ Chính trị Đề án để ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng trong việc ra đời cơ chế, chính sách mới, tạo động lực để phát triển đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra các quan điểm, mục tiêu để phát triển đô thị Việt Nam bền vững cùng với hệ thống các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, trong đó có giải pháp như: nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền, tại những địa bàn vùng đồi núi, cao nguyên, vùng có tính trọng yếu về quốc phòng, an ninh, các đô thị có nhiều di tích lịch sử, di sản văn hoá, cảnh quan thiên nhiên cần bảo tồn, gìn giữ; xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, chương trình quốc gia về phát triển đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh; cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và nâng cấp đô thị; xây dựng và phát triển các đô thị thông minh; xây dựng nông thôn mới phù hợp với định hướng đô thị hoá; phát triển các mô hình đô thị mới phù hợp với thực tiễn, chú trọng mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD); nghiên cứu, xây dựng tiêu chí xác định và phát triển các khu đô thị có vị trí, chức năng đặc thù nổi trội như về phát triển đại học, trung tâm sáng tạo, kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, đảo, cảng, sân bay... và ban hành các cơ chế, chính sách phát triển riêng phù hợp”.

 

Bà Morgane Rivoal, Chuyên gia về Biến đổi khí hậu và Kinh tế tuần hoàn UNDP phát biểu tham luận

Cùng với quá trình phát triển các mô hình đô thị mới, với quan điểm: “Kinh tế đô thị là trụ cột của nền kinh tế quốc dân; phát triển kinh tế đô thị nhanh, hiệu quả và bền vững. Tăng cường khả năng cạnh tranh kinh tế của hệ thống đô thị; chủ động tận dụng các cơ hội và thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị sang tăng trưởng xanh, phát triển nhanh kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, các ngành công nghiệp động lực và các ngành dịch vụ có sức cạnh tranh cao. Chú trọng mở rộng không gian phát triển kinh tế đô thị theo vùng đô thị, phát huy lợi thế kết nối đa chiều; mạnh dạn thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù, thử nghiệm các mô hình mới để tạo đột phá trong phát triển kinh tế đô thị. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của chính quyền đô thị trong phát triển đô thị và kinh tế đô thị, tăng cường phân cấp, trao quyền hợp lý cho chính quyền đô thị.”, Nghị quyết 06-NQ/TW cũng đặt ra mục tiêu đối với phát triển kinh tế đô thị là: “Kinh tế đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững; năng lực cạnh tranh của các đô thị được nâng cao, chuyển dịch theo hướng tăng trưởng xanh, thông minh.”; từ đó đặt ra nhiệm vụ và giải pháp về phát triển kinh tế khu vực đô thị; đổi mới cơ chế, chính sách tài chính và đầu tư phát triển đô thị như: nâng cao hiệu quả sử dụng đất cho phát triển kinh tế khu vực đô thị; khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các không gian công cộng như vỉa hè trong phát triển kinh tế khu vực đô thị; quy hoạch lại hệ thống bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, trung tâm logistic, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, mạng lưới chợ dân sinh; Phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao... tại các đô thị đặc biệt và các đô thị lớn; phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và phát triển dịch vụ xã hội tại các đô thị nhỏ; Nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả; hoàn thiện hành lang pháp lý và mô hình tổ chức phù hợp để Nhà nước quản lý thị trường bất động sản, kiểm soát và sử dụng hiệu quả giá trị gia tăng từ đất khi hạ tầng đô thị, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư mở rộng và khai thác quỹ đất hai bên tuyến đường nhằm tạo nguồn thu cho đô thị...

 

Ông Audras Frédéric, Trưởng phòng Phát triển Đô thị , AFD phát biểu tham luận

Với mục đích tập hợp, chắt lọc những tinh hoa trí tuệ, những kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp để giúp Quốc hội và Chính phủ thể chế hóa Nghị quyết 06-NQ/TW cũng như triển khai điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đồng thời giúp Ban Kinh tế Trung ương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Hội thảo chuyên đề hôm nay sẽ tập trung trao đổi, thảo luận chuyên sâu xoay quanh những vấn đề về chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị đáp ứng yêu cầu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, trong đó các chuyên gia sẽ phân tích sâu sự dịch chuyển kinh tế sang các ngành, nghề mới nối và những thay đổi trong các ngành, nghề hiện hữu trong thời gian tiếp theo; về bất động sản công nghiệp - động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế đô thị; giải pháp số thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn tại các đô thị lớn; hành động theo cấp vùng cho đô thị có khả năng chống chịu, phục hồi; khuyến nghị về tiêu chí xây dựng công trình xanh, đô thị xanh cho các khu đô thị mới; phát triển các chuỗi dịch vụ, tiện ích bán lẻ nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân tại các đô thị; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ số trong phát triển dịch vụ logistics đô thị và kiến nghị các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của phát triển đô thị cũng như định hướng cho phát triển kinh tế đô thị trong giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

 

Bà Lưu Thị Thanh Mẫu, Tổng Giám đốc Phúc Khang phát biểu tham luận

Tại phần Tọa đàm của Hội thảo, các diễn giả và khách mời sẽ cùng nhau đối thoại, phân tích, thảo luận sâu về các mô hình đô thị mới cũng như phát triển kinh tế đô thị, trong đó chú trọng vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế đô thị, bất động sản cho phát triển kinh tế đô thị, tài chính cho đô thị và vai trò, xu hướng của các ngành dịch vụ trong quá trình phát triển kinh tế đô thị, từ đó đề xuất các kiến nghị chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân trong quá trình thực hiện các dự án phát triển đô thị...

 

Quang cảnh hội thảo

Hội thảo chuyên đề “Phát triển các mô hình mới và thúc đẩy chuyển dịch kinh tế khu vực đô thị theo hướng tăng trưởng xanh và bền vững” trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam được tổ chức không chỉ nhằm đóng góp tư liệu để thể chế hóa Nghị quyết 06-NQ/TW ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về “Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, từng bước hoàn thiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam, vừa là cơ sở để Ban Kinh tế Trung ương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết. Hội thảo sẽ là diễn đàn hữu ích giúp các cơ quan tham mưu của Đảng, các cơ quan quản lý Nhà nước, các nhà nghiên cứu, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, thảo luận về xu hướng phát triển, từ đó định hướng cho doanh nghiệp trong lựa chọn ngành nghề, thực hiện chuyển dịch cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với xu thế chung, bảo vệ môi trường, nâng cao tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp...​

Nguồn: Trang Thông tin điện tử tổng hợp - Ban Kinh tế Trung ương.​

Lượt người xem:  Views:   1838
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
 
 
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật - Home

Tác giả

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Phân loại

Loại bài viết

Media

Audio

Tag

Tin liên quan

Tin nổi bật

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Thông tin hoạt động